Dấu hiệu nhận biết ghẻ ngứa trên da

Bệnh ghẻ ngứa có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, đặc biệt là dịp xuân – hè. Biểu hiện của bệnh ghẻ ngứa là gây ra cảm giác ngứa ngáy, khiến người bệnh vô cùng khó chịu, khó tập trung vào bất kì việc gì trong cuộc sống sinh hoạt và làm việc hàng ngày.

Bệnh ghẻ ngứa là gì?

Ghẻ ngứa là một bệnh lý ngoài da do ký sinh trùng cái ghẻ gây ra. Loại ký sinh trùng này có 8 chân, hình bầu dục, đường kính khoảng 1/4mm. Sau khi xâm nhập vào biểu bì da nó sẽ đào hầm và đẻ trứng. Mỗi con ghẻ cái có thể đẻ 10 – 25 quả trứng trong một hang. Sau 3 – 4 ngày trứng nở thành ấu trùng và sau 20 ngày ấu trùng sẽ phát triển thành con trưởng thành và tiếp tục gây bệnh. Sự có mặt của cái ghẻ làm cho người bệnh thấy vô cùng ngứa ngáy tại vùng da có hang ổ của nó, ngứa nhiều hơn vào ban đêm.

Bệnh ghẻ ngứa có khả năng lây nhiễm rất nhanh thông qua các con đường: da tiếp da; dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, tiếp xúc thân mật qua sinh hoạt tình dục… Cũng chính vì khả năng này mà nhiều người bị bệnh ghẻ ngứa toàn thân. Mặc dù ghẻ ngứa không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng các biểu hiện của bệnh ghẻ ngứa ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh, dễ bùng phát trong cộng đồng nên việc điều trị bệnh là vô cùng cần thiết.

hinh anh cai ghe
Hình ảnh cái ghẻ gây bệnh ghẻ

Biểu hiện của bệnh ghẻ ngứa

Biểu hiện của bệnh ghẻ ngứa chung nhất là sự xuất hiện của cảm giác ngứa ngáy và mụn nước. Các giai đoạn của bệnh được phân chia rõ ràng với các biểu hiện của bệnh ghẻ ngứa điển hình như sau:

Biểu hiện của bệnh ghẻ ngứa giai đoạn đầu

Sau hai tuần nhiễm ký sinh trùng, tại vùng da cái ghẻ làm tổ, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Đây chính là phản ứng nhạy cảm của da trước sự có mặt của mạt ngứa cái, trứng và chất thải của chúng và cũng là biểu hiện bệnh ghẻ ngứa đầu tiên. Cảm giác ngứa ngáy sẽ đặc biệt dữ dội vào ban đêm vì lúc này ghẻ cái ra khỏi hang tìm ghẻ đực. Việc gãi ngứa lúc này sẽ tạo cơ hội cho cái ghẻ vương ra chăn màn, quần áo, gối… từ đó lây lan cho người khác. Nếu gặp điều kiện thuận lợi là mồ hôi ra nhiều, trời nắng thì cảm giác ngứa ngáy càng gia tăng.

Bên cạnh hiện tượng ngứa, trên da cũng sẽ có các mụn nước hoặc phát ban giống như nốt tròn đỏ bị sưng xung quanh. Bệnh ghẻ ngứa ở người lớn thường khu trú ở bàn tay, khủy tay, nếp gấp da của cổ tay, mông, eo, đầu gối, dương vật, nách, bả vai, da xung quanh núm vú… Đối với trẻ em, ghẻ cái trú ngụ chủ yếu ở da đầu, cổ, mặt, lòng bàn tay bàn chân. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi rất dễ bị toàn thân nên quấy khóc, khó chịu.

Biểu hiện của bệnh ghẻ ngứa giai đoạn sau

Sang thời kì này, tổn thương do cái ghẻ gây ra đã xuất hiện đầy đủ với các biểu hiện rõ ràng, trầm trọng. Đây là giai đoạn mụn nước tiếp tục mọc nhiều hơn, tạo thành các đường hạnh ngoằn ngoèo, hình chữ chi màu trắng xám trên da. Bên cạnh đó, bề mặt da cũng sẽ có các vết xước, vết trợt có vảy kèm sẹo sẫm màu do gãi ngứa mà ra. Lúc này dùng kính lúp sẽ soi thấy cái ghẻ.

Một biểu hiện của bệnh ghẻ ngứa khác nữa là hiện tượng da tróc vảy hay còn gọi là ghẻ Na Uy. Dạng ghẻ này vô cùng nghiêm trọng với đặc trưng là các vết phồng rộp nhỏ kèm theo vảy da dày phủ rộng toàn thân. Đối tượng có nguy cơ nhất với bệnh ghẻ vảy là người có hệ miễn dịch yếu, ung thư hạch bạch huyết hoặc ung thư máu, HIV/AIDS.

Rất nhiều bệnh lý ngoài da khác dễ nhầm lẫn với biểu hiện của bệnh ghẻ ngứa nhưng đặc điểm chính để nhận diện ghẻ chính là ổ mạt ngứa bởi không bệnh ngoài da nào có ổ mạt như vậy. Rất nhiều người nhầm biểu hiện của bệnh ghẻ ngứa với vết cắn hay chích của côn trùng hoặc rệp nên không xử trí kịp thời, ghẻ lan rộng ra nhiều vùng da trên cơ thể. Ngoài ra cũng cần phân biệt ghẻ với:

– Chốc lở: tương đối giống ghẻ và rất dễ lây nhiễm nhưng các mẩn đỏ do chốc lở chủ yếu xuất hiện trên mặt, miệng và mũi.

– Chàm: là phát ban đỏ dưới dạng nốt sưng chứ không phải ổ mụn nước như ghẻ. Người bị chàm cũng có thể bị ghẻ.

– Vảy nến: đặc trưng là sự phát triển quá mức của tế bào da dẫn đến sự xuất hiện các vảy dày màu bạc và nhiều mảng da đỏ ngứa, khô.

– Viêm nang lông: có các nốt đầu trắng nổi lên trên phần gốc màu đỏ xung quanh hoặc gần nang lông.

MỤC LỤC
Scroll to Top